PHÁT HUY HIỆU QUẢ VỐN VAY IFAD DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO NÔNG THÔN

Trước đây tôi cũng có dịp hỗ trợ kỹ thuật cho dự án DBRP liên quan đến công việc triển khai khoản vốn vay 5 triệu USD của IFAD thông qua VBARD Cao Bằng. Do đó cũng may mắn được tham gia nhiều cuộc họp với VBARD từ TW đến địa phương. Xin phép được đóng góp một số ý kiến cùng các anh chị dưới góc nhìn của cá nhân.

Trong tiểu hợp phần về Tài chính nông thôn của dự án DBRP (Cao Bằng, Bến Tre) khi đó được phân bổ khoảng 5 triệu $ cho mỗi tỉnh đối với nguồn vốn cho vay thông qua VBARD. Ngoài ra trong thiết kế cũng có đề cập đến 1 khoản Bảo lãnh vốn vay (Loan Assurance) khoảng 200,000$ (Grant) kèm theo hướng dẫn thực hiện cho từng tỉnh. Tuy nhiên, dường như khoản Grant này đã bị bị bỏ quên khá lâu, thậm chí theo ý kiến của một số chuyên gia thì nó không thực sự có ý nghĩa nên đã được đề nghị chuyển sang mục đích khác. Cá nhân tôi không đồng tình với quyết định đó và cũng đã một số lần đề xuất phương án thay thế theo hướng bảo lãnh cho những người không đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận đến nguồn dự án tại VBARD. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan mà đề xuất đó đã không được thông qua.

Trở lại khoản vay 5 triệu USD thông qua VBARD, đây là nguồn vay của chính phủ với lãi suất thời điểm đó khoảng 0,75%/năm (rất thấp). Tuy nhiên khoản vay được chuyển từ Bộ Tài chính sang VBARD TW (cho vay lại), VBARD tỉnh, VBARD các huyện và đến tay người vay thì lãi suất dao động từ 15%-19% tùy từng loại sản phẩm vay vốn tại thời điểm những năm 2011.

VBARD là một ngân hàng, để đem một sản phẩm vốn vay đến tay người dân họ phải vận hành một hệ thống với vô vàn chi phí. Do đó lãi suất qua mỗi khâu được đẩy lên là hoàn toàn hợp lý bởi vì đó là bài toán kinh tế. Nguồn IFAD có thể xem là một nguồn huy động “chi phí thấp” đối với ngân hàng, nhưng nó thực sự rất nhỏ so với các nguồn vốn khác của VBARD. Thực chất VBARD ở TW và các tỉnh phải trả chi phí vay lại từ 5,4% đến 6,5% cũng không chênh nhiều so với mức lãi suất bình quân 7% tại thời điểm 2011 đối với các nguồn khác.

Khi gặp gỡ các cán bộ lãnh đạo và nhân viên VBARD tôi đều nhận thấy thiện chí rất tốt từ họ và trăn trở sao cho có thể sử dụng hiệu quả tốt nhất nguồn vốn này; Gặp người dân thì ai cũng kêu là lãi suất cao; Gặp cán bộ dự án thì kêu “oải” vì tiến độ giải ngân chậm, hoặc nếu có thì sai đối tượng, sai mục đích…tóm lại là ai cũng mệt. Tôi rất nhất trí với quan điểm thiết kế dự án là “Hỗ trợ kinh doanh” thì đương nhiên cần giúp người dân thông suốt quan điểm vay vốn với lãi suất cao, chỉ khi nào có bản kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi và sống chết với nó thì những áp lực từ vay vốn sẽ không còn là trở ngại. Mặc dù vậy, tôi đã có lần phỏng vấn rất nhiều cán bộ dự án, cán bộ nhà nước và đặc biệt là các doanh nghiệp nhưng câu trả lời đều là “ở đâu lãi thấp hơn thì tôi sẽ vay ở đó”. Câu trả lời này hoàn toàn hợp tình hợp lý vì dại gì mà vay lãi cao. Hầu hết chúng ta là những người có nhiều mối quan hệ, có nhiều kiến thức hơn người nông dân, thậm chí ở góc độ nào đó có thể nói là “khôn hơn” họ một chút…nhưng cũng đều không dễ chấp nhận khoản vốn vay với lãi suất cao như thế, trừ những người đang rất cần tiền và không có lựa chọn nào khác. Nhất là khoản vay này dành cho việc “phát triển kinh doanh”.

Câu chuyện tài sản đảm bảo (collateral) cũng là một trở ngại đối với khoản vay này. Theo văn kiện dự án thì người dân sẽ được VBARD cho vay “không cần tài sản đảm bảo” mà chỉ thông qua tín chấp bởi Hội phụ nữ, Hội nông dân…Phía ngân hàng cũng có các quy định hấp dẫn về vay vốn không cần đảm bảo lên đến 50 triệu/ hộ hoặc 500 triệu/ HTX (DN). Tuy nhiên thuật ngữ “không cần tài sản đảm bảo” đã được hiểu không giống nhau giữa IFAD và VBARD. Theo IFAD thì bất cứ người nghèo nào có bản kế hoạch SXKD khả thi sẽ được phía VBARD tạo điều kiện cho vay (thông qua tổ nhóm và tín chấp của HPN, HND), điều này có vẻ rất hợp lý hợp tình. Phía VBARD mặc dù đã ký Biên bản ghi nhớ với IFAD đồng ý về cho vay không cần tài sản đảm bảo nhưng theo quy định từ phía ngân hàng thì tài sản đảm bảo được hiểu là thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu của tài sản từ phía người vay sang cho ngân hàng. Đối với các khoản vay nguồn IFAD, người dân sẽ không cần làm thủ tục chuyển nhượng, cầm cố tài sản, nhưng các tài sản đó (sổ đỏ, giấy tờ có giá trị) vẫn sẽ phải được lưu giữ ở ngân hàng. Như vậy thì với người dân không có quyền sở hữu tài sản có giá trị vẫn sẽ không thể vay vốn, đó chính là rào cản.

Cho dù giải thích theo bất cứ “triết lý tài chính vi mô” nào thì một khoản vay mà bất cứ ai liên quan đến nó đều cảm thấy áp lực và không hài lòng (VBARD, IFAD, Người dân…) thì rõ ràng đó là một triết lý chưa thuyết phục. Theo tôi chỉ cần giải quyết được 3 điểm mấu chốt thì các khoản vay của IFAD sẽ phát huy tác dụng tối đa: (i) Người dân vay vốn hài lòng về chất lượng và giá cả của dịch vụ; (ii) Đối tác triển khai thấy thoải mái, dễ dàng và không làm trái với các quy định của ngành; (iii) Cán bộ dự án không còn phải lo lắng về tiến độ giải ngân, đối tượng thụ hưởng cũng như ý nghĩa của nguồn hỗ trợ đối với người dân.

Sau này, khi chuyển sang môi trường làm việc mới, tôi cũng vẫn tiếp tục được làm việc với các Quỹ TK-TD từ nguồn dự án nhưng với quy mô nhỏ hơn. Từ những kinh nghiệm của nguồn vốn vay trong câu chuyện kể trên chúng tôi đã cùng đối tác đưa ra nhiều sự thay đổi đáng kể để phần nào chứng minh được “triết lý” đơn giản mà tôi đã nêu là hoàn toàn có giá trị. Tôi có một vài điểm mấu chốt xin được đóng góp để các anh chị cân nhắc như sau:

  1. Lãi suất: Cần có sự linh hoạt đối với các loại hình sản phẩm khác nhau:
    1. Vay tiêu dùng thì nhất định lãi suất phải thấp mới có sức hấp dẫn. Nhưng đảm bảo lãi suất đã được tính toán một cách hợp lý trên cơ sở Kế hoạch kinh doanh của các quỹ (hoặc từ phía ngân hàng). Điều này tránh việc lãi suất quá thấp khiến ngân hàng bị lỗ, người dân ỷ lại vào nguồn viện trợ của nhà nước hoặc nếu quá cao thì người vay bị thiệt hại nặng.
    2. Vay sản xuất kinh doanh: Vấn đề cốt lõi đối với dự án là hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh, chứ không phải thu tiền lãi về làm giàu cho dự án. Do vậy cũng không nhất thiết phải đẩy người dân vào áp lức vay vốn lãi suất cao hơn mức cần thiết (cho dù có thể đó là cách thử thách sự cam kết của người vay). Hãy tôn trọng luật chơi chung, hãy cạnh tranh lành mạnh về lãi suất với các ngân hàng thương mại trên thị trường. Lãi suất đủ duy trì hệ thống nhưng không quá thấp, cũng không được cao quá vì khi đó người dân sẽ vay chỗ khác.
  2. Bảo lãnh vay vốn: Với những người có tài sản thì việc vay vốn đối với họ không phải là rào cản. Vì vậy cần tìm hiểu sâu hơn về khó khăn của những người không có gì trong tay, những hộ nghèo kiệt quệ, tài sản nếu có thì cũng đang cắm ở ngân hàng, thanh niên muốn lập nghiệp nhưng đang sống phụ thuộc vào gia đình…Những đối tượng này nếu có đề án sản xuất kinh doanh khả thi thì hãy bảo lãnh để họ được vay vốn và giúp họ (kỹ thuật, thị trường) thực hiện ý tưởng đó một cách tốt nhất. Đó mới là sự hỗ trợ thiết thực.
  3. San sẻ rủi ro: Thử hình dung một người dân nghèo (không có tiền, hiểu biết ít, kinh nghiệm chưa có nếu như làm cái gì đó mới mẻ, ít các mối quan hệ…) khi gặp rủi ro thì họ vẫn là người duy nhất phải gánh chịu hậu quả, phía ngân hàng sẽ có nhiều phương án xử lý từ việc phong tỏa tài sản đảm bảo/ cầm cố cho đến việc san sẻ từ các nguồn dự phòng đã trích. Khi đó người dân sẽ mất hết tài sản, mất niềm tin và sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc tiếp tục “phát triển sản xuất kinh doanh”. Ngoài ra, khi xảy ra rủi ro thì liệu dự án có dám sẵn sàng gánh vác hậu quả cùng với người dân? Chỉ khi đó chúng ta mới có đủ tự tin để thuyết phục người dân hãy mạnh dạn làm ăn, hãy mạnh dạn vay vốn. Hiện tại chúng tôi đang áp dụng cơ chế san sẻ 50% rủi ro bất khả kháng đối với các khoản vay của thanh niên dành cho khởi nghiệp (nếu như được bên thứ 3 đánh giá khách quan).

Bài viết chủ yếu dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân, các thông tin trích dẫn cũng đã lạc hậu nên chắc không tránh khỏi thiếu sót. Kính mong nhận được sự chia sẻ của các anh chị!

Phạm Vinh – 11/5/2017

Hội thảo phát triển nhóm sở thích và hợp tác xã tỉnh Cao Bằng

Tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Dự án VIE/029 hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) tỉnh Cao Bằng  tổ chức Hội thảo phát triển nhóm sở thích và hợp tác xã (HTX) tỉnh Cao Bằng.

Lãnh đạo Dự án DBRP tỉnh Cao Bằng phát biểu tại hội thảo.

 Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Dự án VIE/029; Dự án DBRP tỉnh Cao Bằng; Liên minh HTXViệt Nam; Cục Lâm nghiệp phát triển nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tổ chức Doanh nhân thế giới; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hội Nông dân tỉnh; một số doanh nghiệp, HTX tại Hà Nội, Thái Nguyên và cán bộ, nhóm sở thích thuộc 10 huyện vùng dự án tại Cao Bằng.

Chuyên gia Dự án VIE/029 trình bày kết quả phát triển nhóm sở thích tại Cao Bằng.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày những nội dung liên quan đến phát triển nhóm sở thích và HTX, như: Phát triển tổ chức liên quan đến nhóm sở thích và việc thành lập hợp tác xã dưới góc nhìn của các nhà tài trợ; Hợp tác công tư trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ nông dân; Quản lý và phát triển thương hiệu nông sản; Yếu tố đảm bảo thành công trong quá trình hình thành, hoạt động và quản lý của các hợp tác xã; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ và củng cố hợp tác xã; Marketing và xây dựng các kênh phân phối nông sản; Phát triển nhóm sở thích tại Cao Bằng; Tài chính vi mô xã hội; kinh nghiệm vận hành HTX…

Lãnh đạo Hợp tác xã Miến Dong Việt Cường chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chế biến miến dong với các đại biểu Cao Bằng

 Hội thảo tập trung thảo luận  giải pháp giảm nghèo bền vững cho các nhóm sở thích, hợp tác xã như: Dự án cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;  hướng dẫn khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết mở rộng thị trường; hỗ trợ, thành lập nhóm sở thích, thành lập HTX; tư vấn, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển các chuỗi giá trị cho các HTX, xây dựng thương hiệu nông sản, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản; tư vấn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; tăng cường năng lực cho các nhóm sở thích, HTX; các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện cho các nhóm sở thích, hợp tác xã vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu tham quan, học tập tại Hợp tác xã chăn nuôi lợn Thanh Bình, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên)

Các đại biểu đã đến tham quan, học tập tại HTX Miến dong Việt Cường, HTX Rau, Hoa Làng Huống, tại huyện Đồng Hỷ; HTX chăn nuôi lợn Thanh Bình, tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Sau hội thảo này các nhóm sở thích, HTX tại Cao Bằng sẽ ứng dụng những kinh nghiệm đã học tập được tại hội thảo,  áp dụng cho nhóm sở thích và HTX tại địa phương mình.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 28 -29/3.

Lý Thắng
Báo Cao Bằng

Chuyến công tác của Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2

Trong hai ngày 12 và 13/12/2013, đoàn công tác thuộc Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 có chuyến công tác và chia sẻ kinh nghiệm với dự án DBRP/ VIE029 tại Cao Bằng. Thành phần của đoàn bao gồm các cán bộ trong Ban điều phối Trung ương và đại diện của 6 tỉnh hiện đang triển khai dự án (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hoà Bình). Tới dự và chia sẻ kinh nghiệm cùng đoàn làm việc có ngài Peter Heeres (cố vấn trưởng VIE029), ông Phương Tiến Tân (giám đốc DBRP) và các cán bộ, chuyên gia hiện đang công tác tại dự án Cao Bằng.

???????????????????????????????Với bầu không khí cởi mở, thân thiện và tinh thần học hỏi lẫn nhau, các cán bộ dự án đã có nhưng phần thảo luận sôi nổi trong suốt chương trình họp buổi sáng ngày 12/12/2013. Sau phần trình bày tóm tắt của đại diện dự án DBRP/ VIE029, các câu hỏi liên quan đến công tác phát triển các Nhóm Sở Thích (CIG) đã được các đại biểu nêu ra để cùng thảo luận. Nhiều đại biểu thể hiện sự trăn trở đối với công tác phát triển nhóm CIG đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc của đoàn. Ông Chính, bà Tiên và ông Thắng (cán bộ của văn phòng điều phối Trung ương) đã nêu ra nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phát triển chuỗi giá trị, công tác phân bổ nguồn lực cho phát triển CIG, giải quyết bài toán về sự tham gia của người nghèo trong nhóm CIG cũng như các bài học kinh nghiệm về công tác đào tạo nâng cao năng lực cho nhóm…Một số đại biểu ở các tỉnh cũng nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như ý kiến của anh Hộ (Sìn Hồ, Lai Châu) thể hiện sự quan tâm tới công tác thể chế hoá công tác phát triển nhóm; anh Hà ở Sơn La nêu ra bài học về mối quan hệ hợp tác giữa nhóm và doanh nghiệp; anh Sử đến từ Yên Bái (là một cán bộ người H’mông) thì lại bày tỏ một nỗi băn khoăn hết sức thực tế đối với công tác phát triển nhóm đó là làm cách nào để xoá bỏ rào cản ngôn ngữ giữa đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia các lớp tập huấn…

Sau phần thảo luận, buổi chiều đoàn đã đến thăm và làm việc với Nhóm sở thích nuôi lợn tại thôn Bản Láp 2, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng. Sau phần tóm tắt của đồng chí chủ tịch UBND xã, đoàn đã tranh thủ thời gian để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên của nhóm CIG. Trên đường từ trụ sở UBND xã trở ra, đoàn đã gặp phải một sự cố hy hữu khi mà xe ô tô không thể quay đầu bởi con đường quá nhỏ. Không ai bảo ai, tất cả anh chị em trong đoàn đều xuống xe và cùng nhau…bốc gạch để dọn đường. Thật may mắn chúng tôi đã chụp lại được khoảnh khắc đáng nhớ này.

20131212_161002

17h00 ở vùng cao nên trời tối rất nhanh, mặc dù vậy cả đoàn vẫn quyết tâm đến thăm Suối Lê Nin và Hang Pác Bó. Cả đoàn dường như quên hết mệt mỏi, tay trong tay, người đi sau soi đường cho người đi trước và cố gắng tranh thủ chụp cho mình một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Món quà quý giá nhất mang về từ Pác Bó có lẽ là những chai nước tinh khiết đầu nguồn. Hy vọng rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người và công tác phát triển CIG sẽ ngày càng được nhân rộng giúp ích cho người nông dân thoát nghèo.

Buổi tối, hai dự án có phần giao lưu sôi nổi khi đồng hồ đã chuyển sang 19h30. Thưởng thức ly rượu Thiên Vương (một đặc sản rượu nấu từ ngô của nông dân Cao Bằng) đã làm cho tình đoàn kết giữa các dự án như tăng thêm bội phần. Tất nhiên, khá nhiều người say, trong đó có tác giả của bài viết này.

Hẹn một ngày gần nhất được gặp lại đoàn Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2.

Phạm Vinh – Dự án VIE029

20131212_153150 IMG_1000 IMG_0998 ??????????????????????????????? ??????????????????????????????? IMG_1003 IMG_1004 IMG_1005 IMG_1007 IMG_1008

Gallery

Liên kết thị trường – Mở đại lý thức ăn chăn nuôi cho nhóm nuôi lợn tại Quý Quân, Hà Quảng

This gallery contains 1 photo.

Đoàn đánh giá thường niên của dự án IFAD đã rất ấn tượng khi về thăm và làm việc với nhóm sở thích nuôi lợn tại thôn Bản Láp, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng. Ngoài việc duy trì họp … Continue reading